Tin Tức

Xuất nhập khẩu đón tín hiệu vui

Xuất siêu trở lại; tốc độ sụt giảm xuất khẩu đã cải thiện; một số dự án xuất khẩu lớn được triển khai… là những tín hiệu vui cho tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.

Xuất siêu trở lại

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9, tốc độ sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu đã được cải thiện hơn nhiều. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tháng 9 đạt hơn 53 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt hơn 27 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 8/2021 (tháng 8 giảm 2,3% so với tháng 7/2021); nhập khẩu đạt 26,67 tỷ USD, giảm 2,5% (tháng 8 giảm 6,1% so với tháng 7).

Đáng chú ý, trong nửa cuối tháng 9/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 29,07 tỷ USD, tăng đến 17,9% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 33,7% (tương ứng tăng 3,9 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 9/2021, đạt gần 15,47 tỷ USD. Đây là dấu hiệu khá lạc quan cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu đã có chiều hướng tăng trưởng sau nhiều tháng khó khăn do các phương án phòng, chống dịch. Nửa cuối tháng 9, xuất siêu đã trở lại với con số 1,87 tỷ USD.

Điểm sáng trong tình hình xuất khẩu tháng 9 còn ở việc kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh đã có sự phục hồi bước đầu với kim ngạch đạt 3,363 tỷ USD, tăng tới 33% so với tháng 8, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 800 triệu USD.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho hoạt động xuất nhập khẩu bởi TP. Hồ Chí Minh không chỉ là địa bàn tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, mà với vai trò là cảng biển lớn nhất nước ta và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nên việc thành phố kịp thời có các giải pháp tạo thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố miền Nam thêm rộng cửa trong nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị… phục vụ sản xuất, cũng như xuất khẩu hàng hóa cho mùa tiêu dùng cuối năm.

Lấy đà tăng trưởng cuối năm

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA; tạo điều kiện về cải cách hành chính… để nâng kim ngạch xuất khẩu. Năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4 – 5% nhưng Bộ Công Thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%.

Mục tiêu này là có cơ sở khi một số dự án xuất khẩu lớn đã được triển khai mới đây. Đơn cử, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Ninh Bình đã được tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Ninh Bình lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất TP. Ninh Bình. Với số vốn đầu tư tăng thêm, công ty sẽ tăng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 – 10 triệu sản phẩm/tháng lên 13 – 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm. Con số này sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động ngoại thương của nước ta.

Theo quy định mới các hãng Grab hoặc Uber trước đây không được phép điều hành, quản lý hoạt động của phương tiện, cũng như thu tiền từ tài xế, hành khách.

Ngày 4/3, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thông báo các nội dung mới trong quản lý kinh doanh vận tải; trong đó, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô ban hành tháng Một vừa qua sẽ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Ông Tuyển thông báo nội dung trên tại cuộc họp với các doanh nghiệp vận tải về triển khai Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô có hiệu lực từ 1/4 tới do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức.

Theo đó, đối với lĩnh vực quản lý hoạt động taxi, Nghị định 10/2020/NĐ-CP nêu rõ: Từ 1/4 tới xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phù hiệu “XE TAXI” phải được làm bằng chất liệu phản quang với kích thước tối thiểu 06x20cm.

Còn với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, xe hợp đồng điện tử sẽ được quyền lựa chọn gắn hộp đèn “TAXI” hoặc dán phù hiệu xe taxi cố định ở trên xe.

Đặc biệt với loại hình xe công nghệ như Grab hoặc Uber trước đây, Nghị định mới quy định, từ 1/4 tới, các hãng công nghệ cung cấp phần mềm kết nối như Grab sẽ được xem là các hãng cung cấp phầm mềm, dịch vụ, không phải là doanh nghiệp vận tải. Do vậy, theo quy định các hãng này không được phép điều hành, quản lý hoạt động của phương tiện, cũng như thu tiền từ tài xế, hành khách.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP ban hành đã giúp cho các cơ quan quản lý có hành lang, pháp lý để quản lý nhiều loại hình vận tải mới, phức tạp. Thời gian qua, nhiều loại hình vận tải mới vào Việt Nam đã tạo nên những chuyển biến nhưng cũng làm đảo lộn cả thị trường vận tải.

Đồng tình với việc quy định Grab là đơn vị cung cấp dịch vụ, phầm mềm và không được tham gia điều hành vận tải, nhưng đại diện đơn vị vận tải đề nghị Sở Giao thông Vận tải cần quan tâm đến hàng vạn lao động, lái xe của Grab sẽ chuyển đổi thế nào, đi đâu sau ngày 1/4 tới.

Khi cho ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Sở Giao thông Vận tải cần lưu ý tuy taxi truyền thống thực hiện nhiều nghĩa vụ, tuân thủ pháp luật nhưng khi đến các khu vực đón trả khách công cộng như sân bay, bến xe thường không có hoặc ít các điểm dừng đỗ để tiếp cận các sảnh đón trả khách, trong khi đó xe hợp đồng lại vào được.

Cùng với đó, khi lưu thông trên đường phải tuân thủ các biển cấm xe kinh doanh vận tải, còn xe công nghệ, hợp đồng không. Để công bằng, cơ quan quản lý cần phải có chính sách đồng bộ, tránh bất bình đẳng như hiện nay…

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 có sự tham gia của 29 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Arab Saudi, Pháp, Đức, khai mạc 8/12.

Tại cuộc họp báo tổ chức chiều 24/11, thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cho biết các doanh nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế sẽ trưng bày, giới thiệu phương tiện chiến đấu, công nghệ, vũ khí, trang bị cho lực lượng hải quân, lục quân, không quân cũng như các lực lượng tác chiến không gian mạng.

Gian trưng bày của nước chủ nhà Việt Nam sẽ tập trung vào những công nghệ, sản phẩm mang nghệ thuật phòng vệ và chiến tranh nhân dân. Đó là súng và đạn cho lục quân, pháo binh, không quân và hải quân; các sản phẩm hóa nổ, ngòi nổ, các loại khí tài quang học; tàu quân sự và tàu bổ trợ, các loại áo giáp, mô hình nghi binh nghi trang và các thiết bị hậu cần, hệ thống thông tin liên lạc, đài radar, hệ thống tác chiến điện tử.

Các công nghệ mới về hệ thống điều khiển, huấn luyện mô phỏng, thiết bị quang điện tử, thiết bị bay không người lái UAV; hệ thống tác chiến không gian mạng và công nghệ thông tin; vũ khí trang bị nghiệp vụ, công nghệ hỗ trợ, công nghệ tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy bằng nghiệp vụ hậu cần... cũng sẽ được trưng bày tại triển lãm.

Máy bay Su-30MK2 của Việt Nam diễn màn nhả đạn mồi bẫy nhiệt, chuẩn bị cho Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam vào tháng 12. Ảnh: Giang Huy

Theo Phó chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, triển lãm là dịp đa dạng hóa các kênh hợp tác mua sắm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang bị kỹ thuật, trang bị hậu cần của vũ khí, đáp ứng yêu cầu của các lực lượng vũ trang. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm hiểu xu hướng phát triển trang bị kỹ thuật trên thế giới để đề xuất, lựa chọn mua sắm, sản xuất, cải tiến vũ khí trang bị cho quân đội và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng.

Lễ khai mạc Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản

Tối 17/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình và Đài truyền hình của một số tỉnh, thành phố.

Tiết mục biểu diễn "Tràng An kết nối di sản".

Dự Lễ khai mạc, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Vũ Đức Đam, UVT.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thị Thanh Trà, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Ngô Đông Hải, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc các Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Trung ương đứng chân trên địa bàn; lãnh đạo các sở thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên các địa phương cùng tham gia các hoạt động tại Festival Ninh Bình 2022.

Cùng dự có các Đại sứ và phu nhân đại sứ; đại diện Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam; Chủ tịch thương hiệu Miss Tourism World; Giám đốc Quốc gia Hoa hậu các nước cùng các Hoa hậu là đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia vòng Chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới tại Việt Nam.

Đại biểu tỉnh Ninh Bình, dự khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo các huyện, thành phố; thành viên Ban Tổ chức Festival; đại biểu các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản, đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival nhấn mạnh: Là một vùng văn hóa độc đáo, có nhiều đóng góp trong bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực nghiên cứu, nhận diện, làm rõ và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, để di sản văn hóa thực sự là nguồn lực và động lực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Với vị trí là điểm giao thoa giữa các vùng địa chất - khí hậu - văn hóa, Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, được con người bồi tụ nhiều lớp trầm tích văn hóa có giá trị. Cùng với những di tích lịch sử ghi dấu sự xuất hiện của người tiền sử cách đây hơn 3 vạn năm, mảnh đất Hoa Lư xưa, Ninh Bình nay tự hào là nơi được lịch sử dân tộc chọn làm cột mốc đánh dấu chủ quyền, độc lập, thống nhất dân tộc và trở thành Kinh đô của đất nước vào thế kỷ thứ X với 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý.

Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu, tạo cơ hội để Ninh Bình mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước, quốc tế, thúc đẩy phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; là tiền đề xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của cả nước.

Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa Ninh Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Ninh Bình tổ chức "Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản" với phương châm các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có di sản văn hóa tiêu biểu cùng tham gia trên tinh thần kết nối, giao lưu, chia sẻ và quảng bá đến đông đảo nhân dân cùng du khách trong và ngoài nước; mang di sản văn hóa ở mọi vùng miền, mọi quốc gia tiếp cận gần hơn với người dân và du khách; tạo mối liên hệ khăng khít, cộng cảm giữa các vùng, miền có di sản trong việc chung tay giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa.

Tham dự Festival Ninh Bình 2022 - Tràng An kết nối di sản có 14 tỉnh, thành phố trong cả nước và tỉnh Udomxay (Nước CHDCND Lào) cùng sự góp mặt của các hoa hậu là đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới tổ chức tại Việt Nam. Festival lần này bao gồm nhiều hoạt động mang tính kết nối và lan tỏa cao. Trong đó, chương trình nghệ thuật khai mạc được xây dựng như một bức tranh sinh động, hòa điệu của các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các di sản văn hóa tiêu biểu của quốc gia, của các tỉnh, thành phố, đại diện các vùng, miền trong nước và một số nước tham gia sự kiện.

Thông qua việc tổ chức Festival Ninh Bình 2022-Tràng An kết nối di sản, tỉnh Ninh Bình mong muốn đưa sự kiện thành hoạt động văn hóa du lịch quy mô lớn, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, một thương hiệu mới cho văn hóa Ninh Bình nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, tạo sự đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.


Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Ninh Bình năm 2022-Tràng An kết nối di sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên và con người dành tặng nhiều di sản văn hóa giá trị tiêu biểu. Nói tới Tràng An, người Việt Nam đều tự hào với thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng và đậm nét văn hóa của dân tộc. Núi là thành lũy, sông là chiến hào, hang động là nơi đồn trú. Tại nơi đây, vào thế kỷ thứ X, Đinh Tiên Hoàng Đế, vị Hoàng đế cờ lau đã khẳng định nền độc lập của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, ghi dấu mốc chói sáng về tinh thần độc lập, thống nhất tự chủ, tự cường của dân tộc ta. Đến triều đại Tiền Lê, nhà Lý, những vần thơ bất hủ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" còn mãi âm vang muôn đời. Tràng An sau này cũng là căn cứ củng cố binh lực của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và cũng là nơi phát tích mở mang phật giáo ở nước ta.

Kế thừa và phát huy truyền thống rất đỗi tự hào của quê hương, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tập trung xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển văn hóa để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, là động lực và nguồn lực cho phát triển. Đặc biệt, trong 30 năm kể từ khi tái lập, Ninh Bình đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng ta vui mừng đón nhận sáng kiến của tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival di sản Ninh Bình lần thứ nhất với tên gọi "Tràng An kết nối di sản" nhằm từng bước xây dựng thương hiệu văn hóa đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc thể hiện sức lưu truyền, lan tỏa tinh hoa văn hóa và tiếp thu văn hóa của thế giới, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng anh em.

Mong rằng, thông qua hoạt động và khuôn khổ của Festival này, Ninh Bình tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên xây dựng văn hóa con người, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của vùng Cố đô Ninh Bình nói riêng. Đặc biệt, chú trọng các giải pháp để nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Tiếp sau phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc: "Hoa Lư vang mãi ngàn năm", gồm 4 chương: chương I - Tinh hoa di sản Ninh Bình; chương II - Di sản văn hóa Bắc Bộ; chương III - Di sản văn hóa Trung Bộ và Tây Nguyên; chương IV - Di sản văn hóa Nam Bộ và màn kết "Tràng An kết nối di sản".

Các tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại lễ khai mạc có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân dân gian chuyên nghiệp và không chuyên ở trong nước và quốc tế. Chương trình là chuỗi các tiết mục nghệ thuật được thể hiện bằng hình thức đi qua các vùng di sản, theo đường cong chữ S trên bản đồ Tổ quốc. Tại sân khấu ngoài trời, công chúng được thưởng thức những làn điệu hát chèo, hát chầu văn, hát xẩm; điệu dân ca quan họ, điệu ví dặm quê mình; các tiết mục múa Cung đình; hòa tấu Cồng chiêng Tây Nguyên; nghệ thuật đờn ca tài tử phương Nam...

Chương trình nghệ thuật được phối hợp thực hiện bởi các đơn vị, gồm Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát chèo Ninh Bình và các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, diễn viên không chuyên các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Udomxay-Lào, tạo cho chương trình sự hài hòa, cân đối, độc đáo và đặc biệt trong các vùng văn hóa, di sản.

Sân khấu của chương trình nghệ thuật được sử dụng nhiều hiệu ứng ánh sáng, màn hình led, pháo kỹ xảo, mang đến sự mãn nhãn cho người xem qua truyền hình và du khách xem trực tiếp. Kịch bản được dàn dựng công phu, hiện đại, theo phương pháp tôn trọng và giữ tính nguyên bản văn hóa và di sản của từng tỉnh, thành phố như những hạt nhân cốt lõi nhưng lại kết nối thành một tổng thể độc đáo, đa dạng. Câu chuyện văn hóa và di sản được dẫn dắt khéo léo, thể hiện bằng lời ca, âm nhạc và các loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống. Qua đó đã mang đến cho các đại biểu và khán giả những màn trình diễn nghệ thuật đỉnh cao, kết nối văn hóa, di sản của hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước.